“Storydoing marketing” là một phương thức marketing ra đời dựa trên Storytelling. Một cách phổ biến, các doanh nghiệp sẽ luôn có phần “câu chuyện của chúng tôi” đi kèm với tầm nhìn và sứ mệnh khi giới thiệu về thương hiệu của mình. Cách làm này gọi là “Storytelling” – kể chuyện. Câu chuyện thương hiệu phản ánh các giá trị văn hóa của doanh nghiệp, tuy nhiên những câu chuyện này đa phần đã được “làm cứng”, nghĩa là chỉ đơn thuần kể lại và không thể tương tác. Story telling – nói một cách đơn giản là marketing bằng cách kể chuyện, và nó trở thành công cụ đắc lực cho hầu hết các thương hiệu trên thế giới trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, thực tế phương thức marketing này đang dần trở nên cũ kĩ và không còn tính đột phá vì được sử dụng quá nhiều. Khi đó, một khái niệm mới được đưa ra “Storydoing marketing” – vẫn là những câu chuyện dẫn dắt người đọc đến gần hơn với thương hiệu, nhưng sống động và mang tính chất thực tế, đánh thẳng vào sản phẩm và doanh số, chứ không chỉ xoay quanh cái tên của công tynhư trước.
Storydoing được tạo bởi hai yếu tố: câu chuyện và hành động. Nói cách khác, storydoing cho phép thương hiệu và khách hàng tương tác với nhau, cùng nhau viết nên câu chuyện làm nổi bật các giá trị văn hóa của công ty và quan trọng hơn: phản ánh phong cách khách hàng. Nhưng cũng giống với tiền thân của mình là storytelling, storydoing không chỉ được kể qua lời nói mà còn được khắc họa bởi vô vàn chất liệu khác nhau. Content có thể là text, hình ảnh, âm thanh, video, visual content hoặc interactive. Câu chuyện có thể được kể bằng cả chiến dịch, các chuỗi sự kiện hay các hoạt động xã hội không mệt mỏi của các thương hiệu đã đặt giá trị xã hội cao hơn giá trị vật chất thông thường.
Khi phân tích các chất liệu khác nhau của storydoing, hình ảnh cho thấy một vị trí ưu thế và thúc đẩy hành động của storydoing. Có thể nói hình ảnh biết kể chuyện chính là chìa khóa vàng cho marketing hiện đại, đặc biệt khi sử dụng phù hợp, một hình ảnh có thể mang ý nghĩa của cả nghìn lời nói. Những người làm marketing hiện đại đều công nhận hình ảnh có sức hút riêng biệt mà bất kì phương tiện nào khác cũng không thể có được bởi nó thổi những làn gió mới, những hương vị thị giác độc đáo vào thị trường ngành, giúp cho marketing không còn là những dòng chữ khô khan, nhàm chán.
Hãy cùng nhìn vào một ví dụ hình ảnh kể chuyện của Coca-Cola – một trong những người kể chuyện cừ khôi nhất thế giới thương hiệu.
“Happiness Factory” là một trong những social marketing campaign dài hơi và thành công nhất của Coca-Cola. Ngoài việc phát đoạn TVC dài hơn một phút trên các kênh truyền hình khắp thế giới, Coca-Cola hợp tác với rất nhiều đối tác và agency để chắc chắn rằng thông điệp này tiếp cận được đến số độc giả tối đa. Hình ảnh “Happiness Factory” xuất hiện khắp các rạp chiếu phim, poster outdoor, quảng cáo in-game và in-app, viral trên social media, các hoạt động ngoài trời tái hiện lại khung cảnh nhà máy, các cuộc thi, kích hoạt thương hiệu… đều được sử dụng. Sau bước đầu thành công của lan truyền hình ảnh, Coca Cola tiếp tục đưa khách hàng trải nghiệm những điều vui thú vị, gặp gỡ các nhân vật đáng yêu trong thế giới Happiness Factory.
Coca-Cola đã thổi hồn vào một sản phẩm vô tri vô giác, Coca-Cola đã trở nên gần gũi với người tiêu dùng hơn qua câu chuyện về thế giới thần tiên Happiness Factory, với những nhân vật ngộ nghĩnh, đầy đam mê, với thế giới vui vẻ và ngập tràn hạnh phúc, tiếng cưới. Thế giới của Happiness Facotry đáng yêu và gần gũi không hề thua thế giới cổ tích của Walt Disney như “Horton hears a Who” hay “Alice lạc vào xứ thần tiên”. Khâu xây dựng hình ảnh kết hợp cùng câu chuyện ý nghĩa quả thật đã mang lại một chiến dịch thành công cho Coca Cola, và một lần nữa khẳng định vai trò của hình ảnh trong thế giới truyền tải thông điệp của thương hiệu.
Như vậy, trong thế giới mà mọi người được kết nối chặt chẽ như hiện nay, chuyển đổi từ “storying marketing” sang “storydoing marketing” không chỉ giúp các công ty kinh doanh hiệu quả hơn mà còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm và dịch vụ tốt nhất. Và nếu chỉ marketing bằng cách kể chuyện là chưa đủ, thương hiệu của bạn phải nghĩ cách làm thế nào để đưa câu chuyện ấy vào sản phẩm một cách thực dụng và hiệu quả hơn. Và đừng quên, hình ảnh đóng một vai trò rất quan trọng trong con đường này!